Một tách trà nóng.
Một vị trí thoải mái.
Một buổi chiều thảnh thơi.
Và ngắm nhìn…cửa sổ tâm hồn.
Những người trẻ như chúng ta, luôn có những ngày thật chông chênh. Đến mức ranh giới của việc “ổn” và “không ổn” thật mong manh. Chỉ đôi ba câu nói, một hành động hay một ánh nhìn của người khác, cũng đủ làm chúng ta nghĩ ngợi cả ngày dài. Rồi những lúc chợt rơi vào một khoảng buồn vô định mà không biết tại sao mình lại thế. Hay xem một bộ phim và bật khóc nức nở dù đó là một bộ phim hài vì chỉ đơn giản cần một cái cớ để giải toả những cảm xúc mãi kiềm nén. Lắm lúc như thế, những người trẻ chúng ta!
Nhưng điều đáng sợ nhất là lúc trước một sự việc gì đó diễn ra, bạn không còn biết đó là lúc phải vui hay buồn. Bởi vì ‘cái cảm xúc’, đã được miễn dịch mất rồi. Và bạn thấy ổn với điều đó nên ‘cái cảm xúc’ mặc định đó là lời khen và mạnh dạn phát huy vô độ đến vô cảm. Ừ thì như thế có gì xấu đâu, bản thân sẽ đỡ đau lòng hơn trước những biến cố mà cuộc sống mang tới. Ừ thì đó là tự vệ cảm xúc, bởi vì những thương tổn trước kia, đã quá đau. Ừ thì, tự lúc nào, nó đã như thế!
Đúng, chúng ta không sai gì cả. Những người trẻ, họ không có sai lầm, họ chỉ có trải nghiệm và lựa chọn.
Người khác có thể nói với chúng ta ớt thì cay, đường thì ngọt, muối thì mặn, chanh thì chua…Nhưng cay, ngọt, mặn, chua là như thế nào, chẳng phải chúng ta phải tự nếm thử rồi mới biết sao? Nên cậu có nghĩ, tâm hồn của chúng ta cũng có quyền được thử để biết nó thích gì và ghét gì và tận hưởng cái mình thích trọn vị hơn. Cũng như lúc chúng ta uống thuốc xong miệng sẽ đọng lại vị đắng, những lúc như thế mới thấy vị ngọt của một viên kẹo thật tuyệt vời biết bao nhiêu.
Bản đồ là giấy trắng thì dĩ nhiên lúng túng rồi. Ai cũng sẽ thấy mất phương hướng.
“Nhưng bạn hãy thử thay đổi cách nhìn. Vì còn là giấy trắng nên bạn có thể vẽ bất kỳ bản đồ nào. Tất cả là tùy ở bạn. Mọi thứ đều tự do, khả năng là vô tận. Điều này thật tuyệt. Tôi mong bạn hãy tin nào bản thân và cháy hết mình với cuộc đời.”
Tiệm tạp hoá nayami
Ý tớ muốn nói là, cảm xúc cũng là một hương vị. Vì cậu sợ gặp phải một vị gì đó không ngon mà không dám thử. Thì làm sao cậu biết mình có thích nó hay không?
Và…ở đây, lắng nghe ‘cảm xúc’ của bạn. Dù nó kể về một ‘hương vị’ dở tệ, hay ngon bá cháy thì cũng hãy cho nó được trải nghiệm và lên tiếng vì nó xứng đáng.
Ở đây không có những kiến thức làm giàu, làm già; không quảng cáo; không răn dạy, giáo điều.
Ở đây là nơi để não nghỉ ngơi và cảm xúc được sống cuộc đời của nó.
Ý tưởng lấy từ một cuốn sách không mời mà đến, nhưng lại đọng lại rất lâu, rất sâu – Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya – Higashino Keigo.
– Cô gái hay ăn hàng –
Bài viết rất hay. Like it